“Nâng tầm” chiếc bánh dân gian

Là người tâm huyết với bánh dân gian, bà Lê Thị Bé Bảy- nghệ nhân làm bánh ở Cần Thơ- khẳng định, bánh dân gian còn ăn sâu vào dân gian rất nhiều.

Chợ nào cũng có bánh dân gian, cả mười mấy loại bánh. 5 giờ sáng là bánh “lục tục” ra chợ: bánh chuối, bánh lá, bánh bò, bánh lá dừa…

Bánh ăn với nước cốt sẽ kết thúc vào 8 giờ sáng vì đó là bữa ăn sáng của không ít người dân Nam Bộ, sự nhộn nhịp kéo dài cả ngày với các loại bánh như bánh tét, bánh lá dừa…

Làm sao để những người làm bánh ra khơi, làm sao để họ kể được câu chuyện về chiếc bánh dân gian, chứa một giá trị tinh thần rất lớn?

Theo bà, một người làm bánh nhỏ lẻ không thể “ra khơi” được mà cần có một đầu tàu, một đạo diễn để liên kết những người làm bánh lại thành một cộng đồng bánh dân gian (có thể là những nhóm nhỏ- PV).

Theo đó, có thể đáp ứng yêu cầu về giờ giấc, số lượng lớn… để đưa bánh vô các nhà hàng, khách sạn- nâng tầm giá trị của chiếc bánh.

Đồng thời, mong ngành chức năng giúp người làm bánh phân khúc thị trường, tìm ra sự đồng dạng của các loại bánh… để từ đó chỉ ra cách đóng gói, phân loại cái nào ăn tại chỗ, cái nào có thể dọn lên những bàn tiệc sang trọng, bánh nào có thể mang về làm quà…

Ông Trần Hoàng Tuyên- Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp nêu ra “thực trạng ai cũng biết” về chiếc bánh dân gian như: bánh được xem là “gia tài của mẹ”, ai làm được thì làm, đóng gói bằng lá cây, ăn liền (không để lâu), ít ai quan tâm tạo nét riêng, thế hệ kế tục rất mong manh… 

Từ những so sánh, phân tích mang tính chuyên sâu, ông đề xuất cần xây dựng chuỗi hành động về thương hiệu cho bánh dân gian.

Bên cạnh, đề xuất thiết kế bao bì, đóng gói cho bánh dân gian: “Thiết kế bao bì được sản sinh giữa những cái mới mẻ và cái xưa cũ, giữa phong cách tự do và phong cách sắp đặt.

Khi 2 khía cạnh của hệ sinh thái này tìm cho mình lối đi cùng tồn tại, sẽ đẩy những giới hạn của thiết kế đi xa hơn, tiếp tục cải tiến và phát triển ý tưởng, lúc đó thiết kế bao bì sẽ luôn hấp dẫn”.

Các chuyên gia đến từ Nhật Bản chia sẻ, cách đây 20-30 năm, nhiều loại bánh dân gian Nhật Bản cũng chỉ được sản xuất nhỏ lẻ.

Tuy nhiên, nhờ áp dụng công nghệ sản xuất, cách đóng gói hiện đại và tạo được lòng tin… đã giúp bánh dân gian Nhật Bản nâng tầm.

Theo ông Noboru Kondo- Giám đốc Tập đoàn Brain Works, món ăn rất quan trọng trong thu hút, phát triển du lịch.

Bởi lẽ, khi đến một nơi nào đó, người ta có thể sẽ quên mau nơi đó nhưng dư vị món ăn là cái còn đọng lại. Khi chợt nhớ, chợt thèm dư vị đó, ta sẽ lại muốn trở lại nơi đã từng đến.

Bên cạnh ăn tại chỗ thì quà mang về cũng rất quan trọng. Ông Noboru Kondo cho biết thêm, khi đến miền Tây, ông thấy có nhiều trái cây ngon, nổi tiếng, có thể mua làm quà.

Nhưng trái cây rất mau hư nên cần nghĩ tới các loại thức ăn khác để làm quà, như nghiên cứu chiếc bánh dân gian.

Theo ông, đó sẽ là cầu nối để các doanh nghiệp Nhật Bản vào ĐBSCL tìm hiểu nhu cầu đầu tư- nâng tầm chiếc bánh dân gian.

Bánh dân gian của người Vĩnh Long đạt huy chương vàng, “cháy hàng” tại lễ hội bánh

Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ 2018 diễn ra tại TP Cần Thơ từ 25- 29/4/2018, thu hút đông đảo du khách gần xa đến tham quan, thưởng thức các món bánh.

Tham gia gian hàng tại lễ hội, nghệ nhân Đinh Văn Khang- chủ Cơ sở bánh Vĩnh Xương (Phường 1- TP Vĩnh Long)- cho biết: “Ngay từ ngày đầu tiên, các loại bánh của cơ sở đã “cháy hàng”. Tôi chuẩn bị bánh bán 3 ngày nhưng chỉ 1 ngày là hết veo nên phải làm thêm để mang qua bán”- ông Khang nói.

Dịp này, BTC Hội thi Bánh dân gian Nam Bộ, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã trao 12 huy chương vàng, 24 huy chương bạc cho các nghệ nhân, nhóm nghệ nhân. 

Trong đó, Cơ sở bánh Vĩnh Xương tham gia thi món bánh bá trạng đã đạt huy chương vàng.

Theo ông Đinh Văn Khang, bánh bá trạng được làm từ 8 nguyên liệu dân gian: nếp, đậu xanh, thịt heo, tôm khô, hột vịt muối, hạt sen, lạp xưởng, nấm đông cô. Là loại bánh được làm dịp Tết Đoan Ngọ- thời điểm con cháu tề tựu về nhà thưa với ông bà, cha mẹ chuyện học hành, thi cử, làm ăn…

Nguồn: http://baovinhlong.com.vn

Sáng: Từ 7:00 – 11:00 AM

Chiều: Từ 13:00 – 17:00 PM